Lác sữa, hay còn gọi là chàm sữa, là một bệnh phổ biến ở trẻ sơ sinh và trẻ dưới 1 tuổi. Lác sữa ở trẻ em là một dạng chàm thể tạng với đặc điểm là viêm da mạn tính, không lây, thường thấy ở trẻ có cơ địa dị ứng hoặc trong gia đình có tiền sử mắc các bệnh dị ứng cơ địa như mề đay, hen, chàm,…
Bệnh chàm sữa thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ dưới 1 tuổi
Biểu hiện của bệnh chàm sữa
- Bệnh thường xuất hiện ở mặt, hai bên má, có thể lan ra thân mình. Bệnh bắt nguồn là các mẩn đỏ, rồi trở thành mụn nước nhỏ li ti, những mụn này rỉ nước và đóng mày rồi tróc vảy.
- Vị trí thường ở hai gò má, đối xứng nhau. Có thể lan xuống cằm, da đầu, trán nhưng không có ở mắt, mũi, miệng. Trẻ ngứa, thường lấy tay cào gãi hay dụi má (nếu là bé nhỏ).
- Khi bé có dấu hiệu mắc bệnh, không tự điều trị cho bé ở nhà, cần cho bé đi khám để được nhận biết và trị bệnh đúng.
Thông thường, bệnh sẽ thuyên giảm dần (khi trẻ trên 1 tuổi) và có nguy cơ tự khỏi. Nếu sau 4 tuổi bé vẫn chưa khỏi, bệnh sẽ tiến triển kéo dài, hay tái diễn và trở thành chàm thể tạng.
Bệnh chàm sữa ở trẻ em còn có thể lan sang các vị trí khác
Chăm sóc khi bé mắc bệnh
Khi trẻ mắc bệnh, ngoài việc áp dụng thuốc theo khuyến cáo của chuyên gia chuyên khoa, cha mẹ cần chú ý chăm sóc cho bé như sau:
#Vệ sinh tắm rửa:
– Tắm nước ấm, ngày 1-2 lần, chỉ cần tắm cho bé dưới 15 phút, không cần tắm quá lâu. Sữa tắm nên chọn những loại ít kích ứng đối với da của trẻ. Lau khô cho trẻ sau khi tắm bằng khăn mềm, mịn, không chà xát mạnh lên da trẻ.
– Giữ cho da trẻ luôn khô, sạch, tránh để thân thể trẻ đổ mồ hôi ẩm ướt, thay tã lót cho bé thường kỳ. Nên vệ sinh sạch mặt, miệng cho bé sau mỗi lần trẻ bú sữa hay ăn.
#Dưỡng ẩm:
– Thoa kem dưỡng ẩm thường xuyên cho trẻ theo hướng dẫn của bác sĩ, không cho bé tiếp xúc với chất kiềm như xà bông, bột giặt, thuốc tẩy, nước hoa, phấn rôm.
#Quần áo:
– Tránh mặc đồ chật và những loại quần áo bằng chất liệu len, sợi tổng hợp gây bí tắc, kích ứng da. Nên cho bé mặc các loại quần áo mềm, làm bằng chất liệu bông để giảm làm tổn thương da.
Cắt móng tay cho bé để giảm cào gãi gây trầy xước da
#Tránh để trẻ cào gãi:
– Cắt ngắn móng tay, móng chân để tránh trẻ ngứa gãi làm tăng nhiễm trùng da. Nếu trẻ cào gãi nhiều cần cho bé mang bao tay.
#Vệ sinh sạch sẽ:
– Nơi ở của bé nên phải thoáng, không khói thuốc, không thú nuôi, không nước hoa. Không để nhiệt độ phòng quá nóng, quá lạnh hay độ ẩm quá thấp.
– Thường xuyên vệ sinh nhà cửa, đặc biệt là đệm, chăn, gối, giường của bé.
#Chế độ dinh dưỡng:
– Nếu nhận ra loại thức ăn nào đó mà khi cho trẻ ăn (hoặc mẹ ăn và cho trẻ bú) thì nổi chàm nặng hơn, nên tuyệt đối tránh loại thực phẩm đó.